ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

 

ĐỀ THI TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC NĂM 2014

MÔN THI CƠ SỞ: KINH TẾ HỌC (đợt 1)

Thời gian làm bài: 180 phút

 

Câu 1(2 điểm):

A - Thặng dư của những người tiêu dùng và thặng dư của những người sản xuất là gì? Vẽ đồ thị và giải thích thặng dư của những người tiêu dùng và thặng dư của những người sản xuất trên thị trường cạnh tranh hoàn hảo?

B- Cầu thị trường về máy tính ở thị trấn An Bình là P = 1000 – Q. Cung máy vi tính cố định ở mức 500 đơn vị. Giá tính bằng $.

B1- Hãy xác định giá và sản lượng cân bằng của máy vi tính. Ở mức giá đó co giãn của cầu theo giá là bao nhiêu?

B2- Nếu chính phủ đặt giá trần là 400 thì điều gì sẽ xảy ra với giá và sản lượng cân bằng của thị trường ? Ai là người được lợi và ai bị thiệt trong trường hợp này? Khoản thiệt hại hay lợi ích (nếu có) đó bằng bao nhiêu?

B3- Nếu chính phủ đánh thuế vào người tiêu dùng 5$ một máy vi tính họ mua thì ai sẽ bị thiệt hại? Khoản thiệt hại đó bằng bao nhiêu?

 

Câu 2(2 điểm):

Sử dụng đường đẳng lượng và đường đẳng phí để phân tích sự lựa chọn kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp. Tại điểm tối thiểu hóa chi phí cho một mức sản lượng, độ dốc của đường đẳng lượng lớn hơn hay nhỏ hơn độ dốc của đường đẳng phí ? Điểm này hàm ý điều gì về sự lựa chọn của doanh nghiệp khi xét theo sản phẩm biên của các yếu tố sản xuất và giá của các yếu tố đó?

B- Một hãng cạnh tranh hoàn hảo sử dụng hai đầu vào là vốn K và lao động L. Hàm sản xuất của hãng có dạng: Q = 100K.L (đơn vị sản phẩm/ngày). Tiền thuê một đơn vị vốn K là r = 400 nghìn đồng/ngày, một đơn vị lao động L là w = 100 nghìn đồng/ngày.

B1- Từ hàm sản xuất, viết các hàm MPK và MPL?

B2- Tính số lượng vốn và lao động được sử dụng và chi phí tối thiểu để hãng sản xuất ra 10.000 đơn vị sản phẩm?

 

Câu 3(2 điểm):

A - Nền kinh tế nước B đang trong tình trạng quá nóng. Chính phủ có thể sử dụng những công cụ nào − và theo hướng nào − của chính sách tài khóa để đưa nền kinh tế đến tính trạng hiệu quả (toàn dụng nhân công)? Hãy sử dụng mô hình AD-AS để minh họa?

B- Một nền kinh tế giả định có các số liệu sau:

C = 200 + 0,8YD ;   I = 100 + 0,1Y;   T = 50 + 0,2Y;   G = 200

Trong đó: C là tiêu dùng, I là đầu tư; T là tổng số thuế, G là chi tiêu Chính phủ, Y là thu nhập (sản lượng), YD  là thu nhập khả dụng.

 

B1- Tính mức sản lượng cân bằng, mức tiêu dùng và đầu tư tại sản lượng cân bằng?

B2- Bây giờ Chính phủ thay đổi chính sách thuế. Chính phủ chỉ thu một khoản thuế cố định T = 200, thì sản lượng cân bằng mới là bao nhiêu? Nhận xét gì về tác động của một ngân sách cân bằng?

 

Câu 4(2 điểm):

A - Giải thích các nguyên nhân lạm phát bằng mô hình AD-AS?

B- Cho các số liệu về nền kinh tế giả định:

Tiêu dùng:  C = 200 + 0,75(Y – T);   Đầu tư: I = 200 − 25r;  chi tiêu của chính phủ: G = 100;  Thuế ròng: T = 100;  Cung tiền danh nghĩa: MS  = 1000;  Cầu tiền thực tế MD  = Y – 100r;   Mức giá P = 2

 

B1- Viết phương trình IS và LM?

B2- Tính các mức sản lượng và lãi suất cân bằng của nền kinh tế của nền kinh tế?

B3- Tại sản lượng cân bằng, Tiết kiệm quốc gia, tiết kiệm chính phủ và tiết kiệm tư nhân là bao nhiêu?

 

Câu 5(2 điểm):

A - Giá cho thuê vốn cần có là gì? Lãi suất tiền vay có ảnh hưởng như thế nào đối với giá thuê vốn cần có?

B- Trong một nền kinh tế, dân chúng dự trữ tiền mặt bằng 1/5 tổng tiền gửi ngân hàng, các ngân hàng thương mại dự trữ theo đúng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%; cơ số tiền (tiền cơ sở) của nền kinh tế là 200 tỷ USD. Hàm cầu tiền thực MD  = 1100 – 60r.

Mức giá P = 1.

 

B1- Tìm số nhân tiền, Mức cung tiền và lãi suất cân bằng?

B2- Ngân hàng trung ương mua một lượng trái phiếu chính phủ với tổng giá trị 15 tỷ   USD? Tính lãi suất cân bằng mới?

B3- Ngân hàng Trung ương có thể đạt kết quả như câu B2 nhưng bằng việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới phải là bao nhiêu?

 

Tham khảo thêm: Kinh nghiệm Ôn thi cao học môn Xác suất thống kê