BÀI TẬP KINH TẾ VĨ MÔ – ÔN LUYỆN CAO HỌC

 

 

Bài 1:

Xét một nền kinh tế đóng trong dài hạn, chính phủ tăng thuế lên thêm 1.000 tỷ. Biết khuynh hướng tiêu dùng biên là 0,75. Chuyện gì sẽ xảy ra với:

a. Tiết kiệm của khu vực chính phủ Sg?

b. Tiết kiệm của khu vực tư nhân Sp?

c. Tiết kiệm quốc dân S?

d. Đầu tư I? Bạn suy ra điều gì đối với lãi suất thực r?

Đối với một nền kinh tế trong dài hạn, tăng T sẽ kéo theo tăng S, giảm r và do vậy I tăng.

Gợi ý:

 Việc chính phủ quyết định tăng thuế thêm 1.000 tỷ tác động như thế nào đến Sg, Sp, S, I và r sẽ

được phân tích lần lượt dựa vào các triển khai sau:

Trong một nền kinh tế đóng, cân bằng diễn ra, ta có:

S = Sg + Sp = I

Sg = T – G

Sp = [Y – T] – C(Y-T)

Hay S = Y – C(Y-T) – G

a. Tiết kiệm của khu vực chính phủ Sg?

Giải:

Do G không đổi, T tăng thêm 1.000 tỷ sẽ làm Sg tăng thêm 1.000 tỷ.

b. Tiết kiệm của khu vực tư nhân Sp?

Giải:

Thuế tăng 1.000 tỷ làm thu nhập khả dụng (Y-T) giảm 1.000 tỷ (trong dài hạn, Y cân bằng ở mức sản lượng toàn dụng hay mức tiềm năng).

Khuynh hướng tiêu dùng biên MPC là 0,75 nên thuế tăng 1.000 tỷ làm thu nhập khả dụng giảm 1.000 tỷ. Tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập khả dụng (Y-T) nên tiêu dùng C giảm 750 tỷ.

Vậy Sp sẽ thay đổi một lượng là: -1.000 – 0,75.(-1.000) = -250 tỷ (giảm)

c. Tiết kiệm quốc dân S?

Giải:

Từ câu a và b, suy ra tiết kiệm quốc dân S tăng thêm 750 tỷ từ việc tăng thuế thêm 1.000 tỷ.

Một suy luận khác, ta có: S = Y – C(Y-T) – G, Y và G không đổi, tăng thuế thêm 1.000 tỷ làm C giảm 750 tỷ. Điều đó cũng có nghĩa là S tăng thêm 750 tỷ.

d. Đầu tư I? Bạn suy ra điều gì đối với lãi suất thực r?

Giải:

Trong một nền kinh tế đóng, ta có:

Y = C(Y-T) + I(r) + G

Suy ra, I(r) = Y – C(Y-T) – G = S

Bằng cách lập luận tương tự như câu c, ta thấy I sẽ tăng thêm 750 tỷ từ kết quả của tăng thuế thêm 1.000 tỷ.

Đầu tư I là một hàm theo r (nghịch biến), do vậy cơ chế diễn ra để I tăng sẽ là sự giảm xuống của lãi suất r.

 

Đăng ký Kênh Youtube của Thầy Mạnh để học các Kiến thức ứng dụng của Kinh tế học tại đây: Nhấp vào

Kênh Youtube Nguyễn Thế Mạnh 

Hoặc truy cập website: www.nguyenthemanh.net

 

Bài 2:

Giả sử chính phủ tăng thuế T và tăng chi tiêu G với những khoản bằng nhau. Người ta gọi đây là những thay đổi trên cơ sở ngân sách cân bằng. Chuyện gì xảy ra đối với đầu tư I và lãi suất thực r? Khuynh hướng tiêu dùng biên MPC ảnh hưởng như thế nào đến kết quả của bạn?

Gợi ý:

Như đã phân tích trong một nền kinh tế đóng trong dài hạn, sản lượng Y được xác định dựa vào hàm sản xuất và cân bằng ở mức tiềm năng hay mức toàn dụng, tiết kiệm quốc dân S thì bằng tổng của tiết kiệm khu vực tư nhân và tiết kiệm của khu vực chính phủ, và được viết lại như sau:

Tiết kiệm quốc dân = [Tiết kiệm tư nhân] + [Tiết kiệm chính phủ] = Tổng đầu tư

S = [Y – T – C(Y-T)] + [T – G] = I

Và chúng ta cũng biết thay đổi tiêu dùng C thì bằng khuynh hướng tiêu dùng biên MPC nhân với

thay đổi thu nhập khả dụng (Y-T).

Hay:

ΔS = [-ΔT – (MPC*(-ΔT ))] + [ΔT – ΔG] = (MPC – 1).ΔT = ΔI

0<MPC<1, nên (MPC – 1)<0

Biểu thức trên cho thấy tăng thuế một khoản bằng với tăng chi tiêu chính phủ sẽ làm giảm tiết kiệm quốc dân và do vậy làm giảm đầu tư (nguồn cung vốn vay giảm, dịch chuyển đường tiết kiệm S sang trái, lãi suất thực r tăng).

Mức giảm này tuỳ thuộc vào MPC. Giá trị MPC càng gần 1, tiết kiệm (đầu tư) càng ít giảm.

 

Bài 3: Xét phương trình cung tiền  MS = mM x B, với M là cung tiền, B (hay MB) là cơ sở tiền, tỷ lệ tiền trong lưu thông so tiền gửi cp = C/D, tỷ lệ dự trữ theo yêu cầu bắt buộc cb = R/D.

  1. Nếu biết Cp = 0,4 và cb = 0,05. Giải thích ý nghĩa kinh tế của các ký hiệu và con số này?
  2. Giả sử rằng NHNN muốn giảm 1.000 cung tiền, thông qua một hoạt động thị trường mở. NHNN cần phải làm gì?
  3. Sau khi tiến hành hoạt động thị trường mở như ở phần b ở trên, liệu NHNN có thể chắc chắn 100% cung tiền sẽ giảm xuống một mức bằng 1.000 hay không? Giải thích ngắn gọn lập luận của anh chị.
  4. Quá trình cải cách hệ thống tài chính và hiện đại hoá hệ thống ngân hàng đã làm Cp giảm từ 0,4 còn 0,3. Tuy nhiên, để giảm áp lực lạm phát, NHNN đã phải tăng cb từ 0,05 thành 0,1. Nếu NHNN muốn tăng 1000 cung tiền thì lần này hoạt động của thị trường mở sẽ thay đổi như thế nào?

Gợi ý:

    1. Biết Cp = 0,4 và cb = 0,05. Giải thích ý nghĩa kinh tế của các ký hiệu và con số này?

Cp = 0,4: là tỷ lệ của tiền trong lưu thông (do dân cư nắm giữ) so với tiền gửi ở hệ thống ngân hàng. Tiền trong lưu thông và tiền gửi là hai thành phần của khối tiền M của nền kinh tế. Tiền trong lưu thông bằng 40% so với tổng tiền gửi.

Cb = 0,05: là tỷ lệ dự trữ bắt buộc do NHTU yêu cầu, hay tỷ lệ giữa tiền dự trữ bắt buộc so với tiền gửi ở hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ này là 0,05 hay 5%, có nghĩa là khi ngân hàng nhận được 100 tiền gửi, về nguyên tắc ngân hàng sẽ phải để lại 5 dự trữ và có thể cho vay 95.

    1. Giả sử rằng NHNN muốn giảm 1.000 cung tiền, thông qua một hoạt động thị trường mở. Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần phải làm gì?

Cp = 0,4 và Cp = 0,05 thì số nhân tiền tệ tính được là 3,11.

Nếu NHNN muốn giảm 1000 cung tiền (ΔM) thì cần phải thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua bán trái phiếu vào công chúng một lượng

ΔB = ΔM/3,11 = 1000/3,11 = 321,54.

    1. Sau khi tiến hành hoạt động thị trường mở như ở phần b ở trên, liệu NHNN có thể chắc chắn 100% cung tiền sẽ giảm xuống một mức bằng 1.000 hay không? Giải thích ngắn gọn lập luận của anh chị.

NHNN không thể kiểm soát hoàn toàn 100% cung tiền, cụ thể là trong số nhân tiền thì Cp thuộc về quyền quyết định của công chúng. Hơn nữa, tùy vào tình hình kinh tế và hoạt động của mình, các ngân hàng thương mại có thể dự trữ thực tế ở mức khác với mức dự trữ bắt buộc...Do vậy, cung tiền trong trường hợp này có thể không chắc nhắn sẽ giảm xuống đúng bằng 1000 như dự kiến.

    1. Quá trình cải cách hệ thống tài chính và hiện đại hoá hệ thống ngân hàng đã làm Cp giảm từ 0,4 còn 0,3. Tuy nhiên, để giảm áp lực lạm phát, NHNN đã phải tăng cb từ 0,05 thành 0,1. Nếu NHNN muốn tăng 1000 cung tiền thì lần này hoạt động của thị trường mở sẽ thay đổi như thế nào?

Với Cp = 0,3 và cb = 0,1 thì số nhân mới sẽ là 3,25.

Nếu NHNN muốn tăng 1000 cung tiền (ΔM) thì cần phải thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua mua trái phiếu từ công chúng một lượng:

ΔB = ΔM/3,25 = 1000/3,25 = 307,69.

 

Bài 4:

Hãy giả định rằng các hộ gia đình giữ tiền mặt bằng 30% tiền gửi (Cp = C/D = 0,3) và các ngân hàng dự trữ 10% tiền gửi (Cb = R/D = 0,1). Giả sử ngân hàng trung ương mua 100 triệu $ trái phiếu chính phủ trên thị trường mở.

  1. Cơ sở tiền MB (hay H) sẽ thay đổi bao nhiêu do kết quả nghiệp vụ thị trường mở này? Giải thích?
  1. Tổng thay đổi của cung tiền M là bao nhiêu sau tất cả các vòng? Sau khi tiến hành hoạt động thị trường mở như ở phần a ở trên, liệu ngân hàng trung ương có thể chắc chắn 100% cung tiền sẽ tăng lên một mức đúng bằng kết quả tính toán của bạn hay không? Giải thích ngắn gọn lập luận của mình.

Gợi ý:

Câu này yêu cầu bạn phân tích ảnh hưởng của một nghiệp vụ thị trường mở trong đó NHTU mua 100 triệu $ trái phiếu chính phủ.

  1. Cơ sở tiền MB (hay H) sẽ thay đổi bao nhiêu do kết quả nghiệp vụ thị trường mở này? Giải thích?

Cơ sở tiền MB (H) bao gồm tiền trong lưu thông và dự trữ của ngân hàng: MB = C + R. Khi NHTU mua 100 triệu $ trái phiếu chính phủ trên thị trường mở (OMOP), có nghĩa là NHTU mua các trái phiếu này từ các NHTM hoặc các đơn vị pháp nhân ngoài ngân hàng bằng cách viết séc (ngân phiếu) tương ứng với số tiền mua. Dù mua của NHTM hay ngoài ngân hàng, các tấm séc này đều tạo ra dự trữ mới, do đó làm tăng cơ sở tiền bằng với số tiền mua trên thị trường mở (100 triệu $). Nếu NHTU mua trái phiếu từ NHTM, ảnh hưởng đối với dự trữ là trực tiếp. NHTU thanh toán séc bằng cách thêm 100 triệu $ vào tài khoản dự trữ của NHTM. Nếu NHTU mua trái phiếu từ cá nhân hay các tổ chức phi ngân hàng, NHTU viết séc cho người bán và người bán đem gửi nó vào ngân hàng của họ. Đến lượt ngân hàng sẽ trình các tấm séc cho NHTU và NHTU sẽ ghi có vào tài khoản dự trữ của ngân hàng ấy với số tiền tương ứng (100 triệu $).

  1. Tổng thay đổi của cung tiền M là bao nhiêu sau tất cả các vòng? Sau khi tiến hành hoạt động thị trường mở như ở phần a ở trên, liệu ngân hàng trung ương có thể chắc chắn 100% cung tiền sẽ tăng lên một mức đúng bằng kết quả tính toán của bạn hay không? Giải thích ngắn gọn lập luận của anh chị.

Chúng ta có được tác động cho mỗi cột tương ứng bằng cách tính toán số nhân tiền:

Điều này có nghĩa là sự gia tăng ban đầu của cơ sở tiền sẽ dẫn đến tổng gia tăng của khoản vay và do vậy làm tăng cung tiền lên một lượng bằng 3,25 lần khoản tăng cơ sở tiền . Do vậy, tăng 100 triệu $ ban đầu của cơ sở tiền sẽ dẫn đến tăng 325 triệu $ trong cung tiền. Nhắc lại câu hỏi này một lần nữa nhằm mục đích cho các bạn suy nghĩ thêm về khía cạnh quan trọng nhất của vấn đề này: Một nghiệp vụ mua trên thị trường mở (OMOP) làm tăng cơ sở tiền MB một lượng bằng số tiền mua dẫn đến tăng cung tiền theo bội số (số nhân). Tuy nhiên, tổng số tiền tăng lên có thể không như kết quả tính toán do tỷ lệ C/D do dân chúng quyết định và tỷ lệ R/D có thể khác với rr do dự trữ dư ở hệ thống các ngân hàng thương mại….

Bài 5:

Giả sử một nền kinh tế có hàm cầu tiền có dạng: MD = 1000 – 250r - trong đó r là lãi suất thực tính bằng %. Cung tiền là 1000. Mức giá P là 2.

  1. Lãi suất ở trạng thái cân bằng là bao nhiêu?
  2. Giả sử mức giá là cố định, điều gì xảy ra cho lãi suất cân bằng nếu cung tiền tăng từ 1000 lên đến 1500?
  3. Nếu Ngân hàng Nhà nước muốn tăng lãi suất đến 3%, ngân hàng nhà nước nên ấn định mức cung tiền là bao nhiêu?

Gợi ý:

    1. Lãi suất ở trạng thái cân bằng là bao nhiêu?

Để tìm lãi suất cân bằng, ta cho số dư cung và cầu tiền thực bằng nhau:

1000/2 = 1000 – 250r

r = 2%

    1. Giả sử mức giá là cố định, điều gì xảy ra cho lãi suất cân bằng nếu cung tiền tăng từ 1000 lên đến 1500?

Mức giá không đổi, cung tiền tăng lên đến 1500 thì cung số dự tiền thực mới là 750.

Lãi suất cân bằng mới sẽ là:

1500/2 = 1000 – 250r

r = 1%

Tăng cung tiền đã làm lãi suất cân bằng giảm.

    1. Nếu muốn tăng lãi suất đến 3%, Ngân hàng Nhà nước nên ấn định mức cung tiền là bao nhiêu?

Muốn tăng lãi suất, mức cung tiền sẽ phải giảm. Mức cung tiền cần thiết để lãi suất lên mức 3% là:

M/2 = 1000 – 250 x 3

M = 500

Bài 6. Cho các hàm:

MS = 370

MD = 720 – 100 r

C = 50 + 0,8 Y

I = 680 – 80 r

G = 450

T = 0,2 Y

X = 100

M = 100 + 0,04 Y

Đơn vị của r là %, các đại lượng khác tính bằng tỷ đồng.

  1. Tìm mức sản lượng cân bằng?
  2. Nếu cung ứng tiền tăng thêm 50 tỷ thì sản lượng cân bằng mới là bao nhiêu?

Cho biết tình trạng ngân sách của chính phủ và cán cân thương mại ở mức sản lượng ban đầu và mức sản lượng mới?

Bài 7:

Trong một nền kinh tế có các số liệu sau:

C = 100 + 0,8YD

I   = 240 + 0,16Y – 80r

G = 500

X = 210

M = 50 + 0,2Y

T = 50 + 0,2Y

Mức giá P  = 1

Thị trường tiền tệ: H = 75

Cp = 20%

 

MD  = 800 + 0,5Y – 100r

Cb = 10%

 

Trong đó, C: tiêu dùng, I: đầu tư, G: chỉ tiêu Chính phủ, T: Tổng số thuế, X: xuất khẩu, M: nhập khẩu, Y: thu nhập hay sản lượng, YD: thu nhập khả dụng; Yp: Sản lượng tiềm năng;  H: Tiền cơ sở (cơ số tiền); MD: Cầu tiền tệ; Cp: Tỷ lệ dự trữ tiền của dân chúng; Cb: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại ngân hàng; r: lãi suất. Đơn vị của lãi suất là phần trăm (%), của các đại lượng khác là tỷ đồng VN.

Yêu cầu:

    1. Viết phương trình của các đường IS và LM? Tính sản lượng cân bằng và lãi suất cân bằng theo mô hình IS – LM?

Để lập phương trình IS, sửa hàm tiêu dùng và tính được:

                                                                            IS: Y = 2400 – 200r

Để lập phương trình LM cần biết hàm cung tiền. Đã biết các số liệu về thị trường tiền tệ, tính được Số nhân tiền Km = 4; H = 75 ð MS1 = 300) ð  LM: r = 5 + 0,005Y

Giải hệ ta có:                                                                    Y = 700; r = 8,5%

    1. Ngân hàng Trung ương tăng cung ứng tiền bằng việc mua vào 25 tỷ đồng trái phiếu. Mọi điều kiện khác không đổi. Viết lại phương trình IS và LM; Tính mức sản lượng và lãi suất cân bằng mới?

Mua 25 tỷ đồng trái phiếu làm cung tiền MS tăng thêm: 25 x 4 = 100 tỷ đồng.

Với MS2 = 300 + 100 = 400 tỷ, phương trình LM mới sẽ là r = 4 + 0,005Y

Mọi điều kiện khác không đổi, IS vẫn là         Y = IS: Y = 2400 – 200r

Giải hệ ta có:                                                                 Y = 800; r = 8%

    1. Tính mức tiêu dùng, đầu tư, tiết kiệm quốc gia, tiết kiệm tư nhân, tiết kiệm chính phủ tại mức sản lượng cân bằng?